Đột quỵ tái phát: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách phòng ngừa
Đột quỵ tái phát là gì?
Đột quỵ tái phát (tai biến mạch máu não tái phát) là tình trạng một người đã từng trải qua một cơn đột quỵ trước đó và tiếp tục trải qua một cơn đột quỵ thứ hai hoặc nhiều lần tiếp theo. Đột quỵ là tình trạng máu cung cấp đến một phần của não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương các tế bào não. Nguyên nhân của đột quỵ có thể là do tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.
Đột quỵ tái phát có thể xảy ra sớm trong 3 tháng kể từ lần đột quỵ lần đầu tiên, hoặc sau nhiều năm. Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ Mỹ (NINDS), mỗi năm có khoảng 200.000 ca đột quỵ tái phát (chiếm ¼ trên tổng số ca đột quỵ) và để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh. Hậu quả của tình trạng đột quỵ tái phát thường nặng hơn so với lần đầu tiên, và nguy cơ tử vong hoặc để lại các biến chứng gia tăng đáng kể.
Nguyên nhân đột quỵ tái phát
Các nguyên nhân đột quỵ tái phát hầu như đều giống với nguyên nhân đột quỵ lần đầu tiên, bao gồm:
- Đột quỵ do xuất huyết não: Tình trạng mạch máu não bị vỡ, khiến máu chảy vào các mô não và gây tổn thương não.
- Đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não: Tình trạng các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch máu não, ngăn cản dòng máu chảy đến não để nuôi các tế bào não.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ tái phát bao gồm:
Các nguy cơ của đột quỵ tái phát bao gồm:
- Không kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, hút thuốc, và béo phì,.. Nếu người bệnh từng bị đột quỵ không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ cao hơn.
- Tiền sử đột quỵ: Người đã từng bị đột quỵ lần 2 có nguy cơ tái phát cao hơn.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người trẻ tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình đột quỵ: Người có tiền sử gia đình đột quỵ có nguy cơ tái phát cao hơn người không có tiền sử gia đình đột quỵ.
Triệu chứng đột quỵ tái phát
Các triệu chứng của đột quỵ tái phát cũng tương tự như triệu chứng của đột quỵ lần đầu tiên. Các triệu chứng có thể bao gồm: (3)
- Yếu hoặc tê liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể
- Khó nói, không thể nói 1 câu hoàn chỉnh hoặc khó hiểu ý của người khác
- Chóng mặt hoặc mất thăng bằng
- Đau đầu dữ dội và đột ngột
- Mất ý thức
Đột quỵ tái phát có nguy hiểm không?
Bị đột quỵ tái phát có nguy hiểm không là một vấn đề luôn được nhiều người quan tâm. Theo đó, người bị đột quỵ lần 2, lần 3,… vô cùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, các biến chứng cũng nghiêm trọng hơn, nặng nề hơn.
Người bệnh bị đột quỵ tái phát có thể yếu liệt, tàn phế, rối loạn ngôn ngữ, gặp các vấn đề về thị giác,… Một số người bệnh phải đối diện với trầm cảm, rối loạn lo âu do sợ đột quỵ tái phát nhiều lần. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể sống đời sống thực vật hay thậm chí tử vong.
Bị đột quỵ tái phát có phục hồi được không?
Người bệnh bị đột quỵ tái phát vẫn có khả năng phục hồi nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời và có phương pháp điều trị đột quỵ phù hợp. Cụ thể, khả năng phục hồi sau đột quỵ tái phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Mức độ nghiêm trọng của lần đột quỵ tái phát: Đột quỵ càng nặng thì khả năng phục hồi càng thấp.
- Vị trí đột quỵ não: Đột quỵ ở các vùng quan trọng của não sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng phục hồi.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có khả năng phục hồi thấp hơn so với người trẻ tuổi.
- Tình trạng sức khỏe tổng thể: Người có sức khỏe tổng thể tốt sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn.
- Thời gian và phương pháp cấp cứu đột quỵ: Người bệnh được cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng bằng những phương pháp phù hợp sẽ tăng nguy cơ sống và phục hồi, giảm thiểu các di chứng sau đột quỵ.
Trong hầu hết các trường hợp, người bị đột quỵ tái phát có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình. Tuy nhiên, quá trình phục hồi có thể mất nhiều thời gian hơn so với đột quỵ lần đầu và cần có sự chăm sóc, hỗ trợ của gia đình, người thân.
Người bệnh có thể cần phải tập vật lý trị liệu; sử dụng các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như xe lăn, gậy chống, hoặc máy trợ thính, xây dựng chế độ dinh dưỡng đặc biệt để cải thiện sức khỏe và phòng ngừa đột quỵ,…
Cách chẩn đoán đột quỵ tái phát
Chẩn đoán đột quỵ tái phát thường dựa vào kết hợp giữa lâm sàng (triệu chứng và tiền sử bệnh) và kết quả chẩn đoán hình ảnh:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tham khảo lịch sử bệnh của bệnh nhân, nguyên nhân đột quỵ trước đó, và sẽ thực hiện một số kiểm tra nhanh để xác định mức độ của tổn thương não.
- CT scan (Chụp cắt lớp vi tính) của não: Chụp CT Scan vùng não giúp xác định loại đột quỵ và vị trí của tổn thương.
- Chụp MRI (Chụp cộng hưởng từ): MRI não cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về não và có thể phát hiện các tổn thương nhỏ mà CT scan có thể bỏ sót.
Ngoài ra bác sĩ còn có thể chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm công thức máu, đo điện tâm đồ, chụp X- quang ngực thẳng. siêu âm động mạch cảnh, siêu âm Doppler xuyên sọ (TCD),…
Để chẩn đoán chính xác đột quỵ tái phát, việc kết hợp giữa khám lâm sàng và các xét nghiệm trên sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quan về tình trạng bệnh và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Điều trị đột quỵ tái phát
Khi người bệnh bị đột quỵ tái phát, việc điều trị nhanh chóng và hiệu quả là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân đột quỵ tái phát.
Một số phương pháp điều trị đột quỵ có thể kể đến như:
- Sử dụng thuốc: Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA) được sử dụng trong trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Người bệnh được dùng thuốc trong 3-4.5 giờ đầu tiên kể từ khi bị thiếu máu cục bộ (thời gian vàng điều trị đột quỵ).
- Can thiệp nội mạch: Đây là một phương pháp lấy huyết khối bằng cách sử dụng dụng cụ thông qua một ống thông hút huyết khối nhỏ được đưa vào mạch máu, từ đó giúp tái thông lại mạch máu não. Với người bị đột quỵ tái phát, bác sĩ có thể đặt Stent động mạch não để hạn chế cục máu đông tiếp tục hình thành ở vị trí này.
- Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật được chỉ định với các trường hợp đột quỵ thể xuất huyết nặng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để lấy khối máu tụ cũng như giải quyết nguyên nhân gây vỡ mạch máu, chẳng hạn như thực hiện kẹp mạch máu đang chảy hoặc cắt dị dạng động tĩnh mạch (AVM) hay bóc tách mạch cảnh.
- Coiling (thuyên tắc nội mạch): Phương pháp coiling được thực hiện để đưa các vi ống thông nhỏ vào túi phình mạch máu bị vỡ để bít túi phình, ngăn cho máu chảy ra ngoài não. Phương pháp này là một phương pháp điều trị đột quỵ tối ưu, hạn chế đột quỵ tái phát.
- Xạ phẫu lập thể: Xạ phẫu lập thể sử dụng các dòng tia xạ năng lượng cao vào bên trong não để sửa chữa các dị dạng mạch máu não.
Cách phòng ngừa đột quỵ tái phát
Phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị. Để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ tái phát, dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn không nên bỏ qua:
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Do đó, với người từng bị đột quỵ, nên thường xuyên kiểm tra huyết áp và duy trì huyết áp ổn định theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát tiểu đường: Điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc theo chỉ định để giữ đường huyết ổn định.
- Giảm cholesterol: Thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế ăn các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, thực phẩm giàu chất béo và cholesterol để giữ cholesterol trong máu ở mức an toàn sẽ giúp bạn có thể phòng ngừa tái phát tai biến mạch máu não.
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến đột quỵ tái phát. Vì thế, để phòng ngừa, nên ngừng hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tập thể dục đều đặn: Vận động giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ đột quỵ. Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng, tập yoga, bơi lội,… để phòng ngừa đột quỵ tái phát.
- Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ổn định và tránh tăng cân quá nhanh cũng là một yếu tố giúp bạn hạn chế nguy cơ bị đột quỵ nhiều lần.
- Uống thuốc đều đặn: Tuân thủ các chỉ dẫn về việc dùng thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề gì về điều trị chính là cách giúp bạn dự phòng đột quỵ tái phát.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học: Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế các loại thực phẩm nhiều muối. Đặc biệt nên tránh rượu bia, các chất kích thích, thực phẩm giàu chất béo, các loại đồ ngọt,…
- Chủ động thăm khám, tầm soát: Người từng bị đột quỵ vẫn có thể thăm khám, tầm soát để bác sĩ kiểm tra các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ tái phát, hướng dẫn cách phòng ngừa phù hợp. Không nên chủ quan từng bị đột quỵ sẽ không bị lại mà cần hiểu rằng, nguy cơ bị đột quỵ tái phát sẽ cao hơn nên việc thăm khám, tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng.
- Dược liệu Đại Táo: Hỗ trợ tiêu hóa và cân bằng tinh thần - November 20, 2024
- Trạch Tả: Thảo dược lợi tiểu và trị khô miệng - November 19, 2024
- Mạch Môn: Long đờm và làm ẩm da - November 19, 2024
Thăm khám Online
Tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả khám và điều trị bệnh cho hơn 80.000 lượt tư vấn mỗi năm.
Khám phá