Tắc nghẽn động mạch: Nguyên nhân do đâu, triệu chứng là gì ?
Tắc nghẽn động mạch là một tình trạng y tế nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, xảy ra khi dòng máu trong động mạch bị chặn bởi cục máu đông hoặc mảng xơ vữa. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các biến cố tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, mỗi người đều nên trang bị kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như biện pháp phòng ngừa và điều trị tắc nghẽn động mạch.
Tắc nghẽn động mạch là gì?
Tắc nghẽn động mạch là kết quả của quá trình xơ vữa động mạch, khi các mảng bám tích tụ trên thành động mạch gây hẹp hoặc tắc nghẽn lòng mạch. Các mảng bám được hình thành từ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác. Những mảng bám này làm giảm lưu lượng máu hoặc có thể chặn hoàn toàn lưu lượng máu.
Động mạch là những mạch máu chứa máu giàu oxy, đưa máu từ tim đến mọi mao mạch trên cơ thể. Bên trong cùng của động mạch là lớp tế bào nội mạc, tiếp xúc trực tiếp với máu. Các mảng bám sẽ tích tụ lại trong thành động mạch khi lớp nội mạc này bị tổn thương.
Theo thời gian, mảng bám sẽ dần lớn, xơ cứng lại làm thu hẹp lòng mạch, hạn chế lưu lượng máu chảy qua. Mảng bám có thể vỡ ra tạo thành huyết khối khiến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể chặn hoàn toàn dòng máu giàu oxy đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Các vị trí thường gặp tắc nghẽn động mạch
Tắc nghẽn động mạch có thể ảnh hưởng đến tất cả các động mạch, đặc biệt là các động mạch cung cấp máu cho tim (động mạch vành), động mạch cổ cung cấp máu cho não (động mạch cảnh) và các động mạch cung cấp máu đến các chi (động mạch ngoại vi). Tắc nghẽn động mạch có thể gây ra các triệu chứng như đau thắt ngực hoặc dẫn đến các tình trạng đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Tắc nghẽn động mạch vành
Quá trình xơ vữa động mạch vành khiến thành động mạch vành bị tổn thương và thu hẹp theo thời gian, có thể dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn. Tình trạng này phổ biến hơn khi già đi và ở những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành. Một số triệu chứng tắc nghẽn động mạch vành thường gặp bao gồm: đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, buồn nôn, mệt mỏi, kiệt sức… Các triệu chứng thường nặng hơn khi người bệnh hoạt động gắng sức và đỡ khi nghỉ ngơi.
Tắc nghẽn động mạch cảnh
Khi các chất béo và cặn cholesterol tích tụ lại sẽ gây thu hẹp lòng động mạch cảnh. Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào. Cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của tắc nghẽn động mạch cảnh.
Người bệnh thường cảm thấy yếu đột ngột, liệt ở một bên tay hoặc chân, mất thị lực tạm thời, khó nói, nhầm lẫn, đau đầu, chóng mặt, mất khả năng chuyển động…
Tắc nghẽn động mạch phổi
Tắc nghẽn động mạch phổi là tình trạng tắc nghẽn dòng lưu thông bình thường của máu đến phổi, khiến cho việc trao đổi khí gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân phổ biến nhất của tắc nghẽn động mạch phổi là do cục máu đông hình thành trong một tĩnh mạch sâu ở chân và di chuyển đến phổi. Khi cục máu đông di chuyển đến một mạch máu có đường kính nhỏ hơn kích thước cục máu đông sẽ gây ra tắc mạch phổi.
Tắc mạch phổi khiến cho người bệnh bị suy giảm hô hấp, gây khó thở, đau ngực, có thể ho ra máu. Đây là tình trạng nguy hiểm cần được điều trị kịp thời ngay từ những giờ đầu tiên khởi phát triệu chứng.
Tắc nghẽn động mạch thận
Đây là tình trạng một hoặc cả hai động mạch cung cấp máu cho thận bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do xơ vữa động mạch, loạn sản cơ và một số nguyên nhân khác như huyết khối, bóc tách động mạch, động mạch chủ bụng dưới thận, viêm mạch máu…
Khi động mạch thận bị tắc nghẽn, dòng máu cung cấp cho thận bị chặn khiến cơ thể hiểu nhầm rằng huyết áp đang thấp. Khi đó, cơ thể sẽ phát tín hiệu giải phóng hormone từ thận dẫn đến tăng huyết áp. Hẹp động mạch thận kéo dài không được điều trị thích hợp có thể dẫn đến suy thận.
Tắc nghẽn động mạch chậu
Tắc nghẽn động mạch chậu cũng được xếp vào nhóm bệnh lý mạch máu ngoại biên. Điều trị bệnh lý động mạch ở khu vực này là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng, nghiêm trọng nhất là gây thiếu máu chi dưới. Nếu phần chi dưới bị thiếu máu trong thời gian dài, có thể giảm khả năng đi lại, thậm chí hoại tử hoàn toàn.
Tắc động mạch ngoại biên
Có khoảng gần 75% người bị tắc động mạch ngoại biên không có triệu chứng. Người cao tuổi và người có các yếu tố nguy cơ tim mạch như hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, người bị đái tháo đường là nhóm đối tượng dễ bị tắc động mạch ngoại biên. Trong đó, hút thuốc lá và đái tháo đường là hai nguy cơ bị bệnh đặc biệt cao. Vì vậy, nếu có các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch ngoại biên, nên tìm hiểu về bệnh và thăm khám để giúp phát hiện, điều trị sớm.
Nguyên nhân tắc nghẽn động mạch
Nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn động mạch chủ yếu là các mảng bám tích tụ trên thành động mạch, các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:
Hình thành xơ vữa động mạch
Khi mảng bám phát triển, một tình trạng gọi là xơ vữa động mạch xảy ra. Tình trạng này khiến các động mạch bị thu hẹp và cứng lại. Chứng xơ vữa động mạch có thể xuất phát từ tổn thương niêm mạc thành động mạch và liên quan đến các yếu tố nguy cơ.
Cholesterol xấu cao và cholesterol tốt thấp
LDL cholesterol (cholesterol xấu) cao là tác nhân chính gây ra sự hình thành mảng bám động mạch. Tuy nhiên, cholesterol xấu có thể được kiểm soát bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc hạ mỡ máu. Việc hạ LDL cholesterol và tăng HDL cholesterol đem lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa bệnh mạch vành.
Huyết áp cao
Tăng huyết áp làm quá trình tích tụ mảng bám trong động mạch diễn ra nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch bị tắc. Người bệnh có thể được kê đơn thuốc giúp làm hạ huyết áp, kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn để kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ đột quỵ và tai biến mạch máu não.
Hút thuốc lá thời gian dài
Hút nhiều thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng tỷ lệ xơ vữa động mạch ở các động mạch ở tim, chân và động mạch chủ – động mạch lớn nhất trong cơ thể.
Bệnh đái tháo đường
Người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp đôi so với người bình thường. Ngay cả người có lượng đường huyết cao nhưng chưa đến mức mắc bệnh đái tháo đường như trong hội chứng chuyển hóa, cũng có nguy cơ hình thành mảng bám cao hơn. Do đó, kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường có thể giúp giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
Các yếu tố nguy cơ tắc nghẽn động mạch
Một số yếu tố nguy cơ khác có thể khiến khả năng bị tắc nghẽn động mạch cao hơn như:
Tiền sử gia đình
Nếu trong gia đình có thành viên từng bị tắc nghẽn động mạch, các thành viên còn lại có thể có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, nên thăm khám để phát hiện và điều trị sớm.
Căng thẳng kéo dài
Thường xuyên căng thẳng, áp lực trong thời gian dài có thể khiến đường kính của mạch máu bị thu hẹp lại, tăng huyết áp. Căng thẳng mạn tính cũng liên quan đến bệnh tim mạch.
Lối sống ít vận động
Người ít hoặc không vận động có nguy cơ bị tăng cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Đây đều là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy xơ vữa động mạch.
Bệnh nhân béo phì
Người béo phì thường dễ bị tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, liên quan đến chứng xơ vữa động mạch và nhiều bệnh lý khác.
Triệu chứng tắc nghẽn động mạch
Nhiều trường hợp động mạch bị hẹp không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra một biến cố lớn như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Khi động mạch bị tắc nghẽn từ 70% trở lên, sự tích tụ mảng bám động mạch có thể gây ra các triệu chứng điển hình hơn. Tùy thuộc vào vị trí động mạch bị tắc nghẽn, người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng tắc nghẽn động mạch vành
Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu ban đầu phổ biến nhất của động mạch vành bị tắc. Cơn đau thường bắt đầu ở xương ức, tỏa ra cánh tay hoặc vai trái và lan rộng đến hàm hoặc lưng trên. Bệnh nhân có thể bị nhồi máu cơ tim, dẫn tới suy tim nếu không được điều trị.
Triệu chứng tắc nghẽn động mạch cảnh
Động mạch cảnh bị hẹp có thể không gây ra triệu chứng nào. Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ có thể là dấu hiệu đầu tiên. Người bệnh sẽ có các triệu chứng bao gồm:
- Đột ngột bị yếu một bên tay hoặc chân.
- Mất khả năng chuyển động.
- Không tập trung, có thể bị nhầm lẫn.
- Đau đầu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Mờ mắt hoặc mất thị lực tạm thời.
- Khó nói, nói lắp.
Triệu chứng tắc nghẽn động mạch phổi
Những triệu chứng của tắc động mạch phổi thường điển hình và xảy ra rất nhanh, đặc biệt là khi tắc một trong những nhánh mạch máu lớn của phổi thì tình trạng càng nghiêm trọng. Các triệu chứng chính khi tắc mạch động mạch phổi gồm:
- Khó thở, thở gấp.
- Đau ngực, đau hơn khi hít vào.
- Ho, có thể có máu.
- Đau hoặc sưng chân.
- Đau lưng.
- Đổ nhiều mồ hôi.
- Lâng lâng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
- Môi hoặc móng tay hơi xanh.
Triệu chứng tắc nghẽn động mạch ngoại vi
Các triệu chứng điển hình của tắc nghẽn động mạch ngoại vi bao gồm:
- Giảm huyết áp ở chi bị ảnh hưởng.
- Tê và đau ở các chi.
- Đau, nhức hoặc chuột rút khi đi bộ.
- Vết loét trên ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân chậm lành.
- Cẳng chân hoặc bàn chân bị ảnh hưởng lạnh hơn so với bên còn lại.
Triệu chứng tắc nghẽn động mạch thận
Bệnh nhân sẽ bị tăng huyết áp, bệnh thận mạn với các triệu chứng như chán ăn, phù tay chân, tiểu ít…
- Bạch Phục Linh: Lợi tiểu và hồi phục dạ dày - January 13, 2025
- Hoàng Kỳ: Hồi phục sức lực và cải thiện sức khỏe - January 7, 2025
- Thương Truật: Cải thiện chức năng ruột và dạ dày - January 3, 2025
Thăm khám Online
Tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả khám và điều trị bệnh cho hơn 80.000 lượt tư vấn mỗi năm.
Khám phá